Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Chua ngọt canh gà nấu lá giang


Canh gà nấu lá giang ngon nhất khi ăn nóng cùng với cơm gạo tẻ, ngoài ra có thể ăn kèm với mỳ. Cái vị chua chua , ngọt ngọt và dai dai của thịt gà, càng ăn càng thấy ngon

Lá giang gắn liền với cuộc sống của người miền trung du quê tôi từ thời khai hoang, mở đất. So với các loại rau dân dã khác, lá giang được nhiều người ưa nhất. 



Phổ biến nhất là lá giang nấu canh với cá biển tươi, bỏ thêm một ít khế, hành, ngò, ớt để tăng thêm vị đậm đà. Hay mỗi khi nhà đến giỗ, chạp, trong mâm cơm cúng ông bà không thể thiếu món cá suối nướng lá giang. Và có lẽ, những người con khi xa núi rừng khó có thể quên được tô canh gà nấu lá giang nóng hổi được chuyền từ đôi bàn tay gầy gò của mẹ. 


Món canh gà nấu lá giang vốn là món đặc sản, giàu can-xi, mát lại bổ dưỡng nhưng hơn cả là tấm lòng thơm thảo của phụ nữ dành cho gia đình họ. Tuy chỉ là phụ liệu, nhưng chính cái vị thanh chua của lá giang đã tạo nên một nét rất riêng cho bát canh. 
Không phải ai cũng biết nấu ngon món canh này. Thường phải chọn loại gà ta (gà thả vườn) hoặc gà rừng (gà tơ thì thịt sẽ thơm, mềm hơn) và nồi nước canh được nấu bằng chính nước luộc gà càng ngon. 


Gà làm sạch, để ráo, chặt miếng vừa ăn. Ướp gà với hành tím (không ướp tỏi vì sẽ tạo mùi hăng khi nấu), nước mắm, tiêu, hạt nêm vừa ăn. Để chừng mươi phút cho thịt gà thấm gia vị. Lá giang hái về lựa bỏ những lá già hoặc sâu, rửa sạch, để ráo. 


Phi thơm hành tím với ớt màu, đổ thịt gà đã ướp vào xào, rim đến khi thịt săn lại thì tắt bếp. Đổ hỗn hợp trên vào nồi nước luộc gà đang sôi. Sau cùng, cho lá giang vào, đợi nồi canh sôi lại. Để nồi canh thêm vị thanh, chua phải vò nhẹ lá giang trước khi nấu và hạ lửa riu riu cho lá giang ra hết nước chua. Mùi thơm thân thuộc của lá giang bay lên là nồi canh đã chín. Chỉ cần múc canh ra tô, rắc ớt, hạt tiêu và ngò om, rau răm vào là dùng được.


Canh gà nấu lá giang ngon nhất khi ăn nóng cùng với cơm gạo tẻ, ngoài ra có thể ăn kèm với mỳ. Cái vị chua chua , ngọt ngọt và dai dai của thịt gà, càng ăn càng thấy ngon. Trong tiết trời tháng mười se se lạnh, mùi thoang thoảng của lá giang rừng lẫn hương tro nồng nàn từ bếp lửa củi tạo nên một thứ mùi đặc trưng khó tả, vừa giản dị, quen thuộc mà nồng nàn ấm áp. Cái ấm áp ấy cứ vấn vương bước chân những người con xa xứ…

Phan Thị Thanh Ly
Nguồn: VnExpress.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã nhận xét cho bài post trên blog WildgrassVN. Mong góp ý và có nhiều nhận xét hơn nữa của bạn. WildgrassVN.com