Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Về đất Tây Sơn

Về đất Tây Sơn, bạn không chỉ được sống lại với không khí lịch sử xưa hiển hiện qua những di tích cổ, mà còn có cơ hội thăm thú Hầm Hô và thưởng thức những món đặc sản Tây Sơn: chim mía, cá mương, rau rừng, rượu Bàu Đá...
Hiếm ai đi du lịch thẳng từ Sài Gòn hoặc Hà Nội đến đất Tây Sơn, trừ những dịp lễ lạc. Nhưng nếu đã đặt chân lên đất Bình Định, bạn sẽ được người dân nơi đây mời gọi đến với đất võ Tây Sơn bằng một niềm tự hào khó giấu.

Hào khí Tây Sơn
Chỉ mất một chuyến xe buýt với quãng đường hơn 40 cây số từ thành phố Quy Nhơn, bạn sẽ đến làng văn hóa Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Khu bảo tàng nằm trên một vùng đất rộng đến 6 héc ta, vốn là nền đất cũ thuộc về anh em nhà Tây Sơn.
Được xây dựng theo lối kiến trúc cổ, bảo tàng trông uy nghiêm mà lãng mạn. Đường từ ngoài vào, qua khỏi cổng bán vé tham quan đến chính diện khá xa. 
Rất đông du khách trong và cả ngoài nước đến nơi này để chiêm ngưỡng và sống lại trong dòng lịch sử hào hùng của vị hoàng đế áo vải Nguyễn Huệ khi xưa. Lối vào được lát gạch phẳng phiu sạch sẽ, hai bên là vườn cây xanh mát. 
Hầu như mỗi gốc cây nơi đây đều có gắn tên, ghi rõ người trồng cây và ngày trồng cây, gồm những nhà lãnh đạo, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng, đến đây vào những ngày lễ lớn như lễ giỗ hoàng đế Quang Trung, lễ hội Bình Định...và làm nghi lễ trồng cây như cách dâng lên tổ tiên tấm lòng thành kính của mình.
Khu du lịch Hầm Hô. Ảnh Đào Tiến Đạt
Ngoài những cây trồng sau này, khu vườn còn có 2 cây me cổ thụ, tương truyền có từ thời Hồ Phi Phúc - thân sinh Nguyễn Huệ. Gốc me có chu vi lên đến 3,5 mét, cành lá xum xuê rợp mát cả một góc vườn. Một di tích cổ cũng được nhiều người tìm đến là giếng nước ghép bằng đá ong với nguồn nước ngọt đã từng nuôi dưỡng tâm hồn và ý chí ba anh em nhà Tây Sơn xưa. Rất nhiều người đi từ mọi miền đất nước, đến giếng nước không bao giờ cạn này để được uống vốc nước ngọt lành, làm dịu cơn khát đường xa và sống lại cùng tinh thần thượng võ và hào khí Tây Sơn thuở xưa.
Trong khuôn viên khu bảo tàng còn có điện thờ Tây Sơn kiệt, chính giữa thờ Quang Trung Nguyễn Huệ, gian bên trái thờ Nguyễn Nhạc, gian bên phải thờ Nguyễn Lữ. Nơi đây luôn nghi ngút khói hương của những người con miền xa về cung kính tưởng nhớ công tích các vị anh hùng xưa.
Những gian trưng bày trong bảo tàng chứa rất nhiều di vật, miêu tả, hiển thị lại đời sống chinh chiến và những bước đường tấn công thần tốc của vua Quang Trung ngày xưa. Chính giữa là cụm tượng Tam kiệt với tư thế dẫn đầu đoàn quân, phía sau là bức tranh khắc nổi thể hiện khí thế quân Tây Sơn. Hai bên cụm tượng là những vũ khí xưa, trông thô sơ mà bén ngọt.
Nhân viên bảo tàng sẽ dẫn bạn đi giới thiệu từng di tích, nào là chuông khánh cổ bằng đồng, nào là sách, là chiếu chỉ, lệnh chỉ, văn tế xưa được viết bằng chữ Nôm trên những trang giấy ám màu thời gian. Nào là những sa bàn, những bản đồ thể hiện các cuộc tiến công thần tốc của vua Quang Trung.
Lãng mạn Hầm Hô
Cũng nằm nơi huyện Tây Sơn, đi ngược về Quy Nhơn một chút phía đường đối diện khu bảo tàng là ngõ vào Hầm Hô, một thắng cảnh đẹp tuyệt vời gắn liền với huyền thoại Tây Sơn. Có rất nhiều cách lý giải về cái tên Hầm Hô lạ lùng này, nhưng thú vị nhất có lẽ là lời giải thích rằng đây từng là nơi nghĩa quân Tây Sơn tập trận năm xưa, và tiếng hô tập trận đầy khí thế ấy, vang dội giữa những vách đá nơi đây khiến người dân quyết định gọi tên nơi này là Hầm Hô.
Đường vào Hầm Hô nhỏ hẹp, hai bên đường, thoạt đầu còn có nhà dân, sau chỉ còn những cánh đồng xanh ngát và cỏ cây, lau lách rậm rạp. Đến cuối con đường là khu du lịch Hầm Hô. Hãy dừng lại và chuyển sang một phương tiện di chuyển khác thú vị hơn, có thể là xe ngựa, có thể là ghe thuyền tuỳ bạn chọn. Cách nào cũng đầy lãng mạn. Nhưng chỉ có đi thuyền mới thấy rõ hết vẻ đẹp tuyệt vời của sông suối, của cảnh vật nơi đây.
Khu du lịch Hầm Hô. Ảnh M.Tuấn
Chuồn chuồn, nơi con mương đi vào khu vực sông Đồng Hươu (còn gọi là sông Hầm Hô) có rất nhiều loài chuồn chuồn với đủ màu sắc rực rỡ và lấp lánh, đủ mọi kích thước và hình dáng. Màu đen mun mịn như nhung, màu đỏ ớt rực rỡ, màu xanh biêng biếc, màu nâu voan óng ánh...Từ nhỏ như chuồn chuồn kim đến to như chuồn chuồn trâu, cỡ nào cũng có. Những chú chuồn chuồn cùng các chú bướm bay dập dờn tô điểm cho con suối một màu sắc lãng mạn và yên bình.
Bạn sẽ nhớ mãi cảm giác bồng bềnh lướt qua dòng nước dưới những tán cây rừng lòa xòa, mát rượi và tịch lặng. Qua khỏi con mương hẹp, sông Đồng Hươu hiện ra, rộng mênh mông với nước trong văn vắt và mát rượi, phản ánh bầu trời xanh ngắt. Lòng sông cạn nhưng hiểm trở, có những đoạn lại sâu đến lút cọc chèo. Có thể thấy rõ những hòn đá cuội tròn trĩnh dưới đáy sông. Hai bên  bờ sông là đá núi. Những hòn đá to cũng ngăn sông lại thành một hồ nước rộng và tĩnh lặng. Nhưng vượt qua khỏi những hòn đá đó là thác ghềnh với nước chảy ào ào đầy sôi động.
Bạn nên dừng chân nơi đây, ghé lên nhà hàng Hoa Lộc Vừng để thưởng thức chim mía rô ti, một đặc sản nổi tiếng của vùng đất Tây Sơn. Con chim chỉ nhỏ bằng hai ngón tay, xương mềm rụi, thịt ngọt và dai, ăn kèm rau răm và đồ chua ngon tuyệt hảo. Cũng nên gọi thêm cá mương, con cá chỉ nhỉnh hơn cá trứng Nhật một chút, chiên vàng giòn ăn hết cả xương được. Nhà hàng sẽ dọn lên cho bạn một đĩa rau rừng,  một bát mắm nêm rất đặc trưng của khu vực miền Trung. Hãy thử một bữa ăn đúng nghĩa với cá suối rau rừng, gồm là non lộc vừng, lá bương, lá giang...
Nếu muốn được sống với thiên nhiên nhiều hơn, bạn có thể cùng bạn bè cắm trại nơi bờ đá hoặc trên những "lưng trâu", tức những tảng đá khổng lồ, nhẫn thín nổi trên mặt nước. Hãy nhen lửa cho ấm áp, nướng cá mương hay cá đối trên những xiên que, hoặc ăn ốc luộc chấm mắm gừng và đưa cay với rượu Bàu Đá - một sản vật khác của Bình Định.
Bạn sẽ thấy, đến Bình Định, ghé Tây Sơn, thăm những vị anh hùng áo vải và sống lại trong không khí hào hùng xưa là một kỉ niệm ngọt ngào khó quên.
Yên Nghi
Nguồn: Tin Tức Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã nhận xét cho bài post trên blog WildgrassVN. Mong góp ý và có nhiều nhận xét hơn nữa của bạn. WildgrassVN.com