Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011

Bánh tráng Bình Định

Trong những nguyên nhân đưa đến sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mãn Thanh vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) ngoài những yếu tố chiến lược, chiến thuật, tài dùng binh của Nguyễn Huệ, sức tấn công chớp nhoáng của nghĩa quân Tây Sơn... còn phải kể đến một yếu tố. Đó là vấn đề hậu cần mà cụ thể là lương thực

Với một đoạn đường dài gần 650km từ Phú Xuân đến Thăng Long, cả một đạo quân khổng lồ, không thể hành quân làm nên chiến thắng nếu vấn đề lương thực không đảm bảo. Người ta đã phát hiện rằng: để tăng cương sức cơ động, trên đường hành quân nghĩa quân Tây Sơn rất hạn chế việc nấu nướng mà dùng một thứ lương khô được chế biến đặc biệt có thể vừa ăn vừa đi đánh giặc, đó là bánh tráng.

Như thế bánh tráng đã tồn tại trong lịch sử ít nhất trên hai thế kỷ. Dân gian còn cho rằng, sở dĩ khi đến miền Bắc bánh tráng được gọi là bánh đa là do lúc đánh vào trận Đống Đa nghĩa quân Tây Sơn sử dụng bánh tráng phổ biến đến độ người ta gọi bánh tráng là “bánh trận Đống Đa”, về sau lược giản dần còn hai chữ: bánh đa. Phải chăng điều đó phần nào cắt nghĩa rằng bánh tráng xuất hiện ở Đàng trong sớm hơn Đàng ngoài.

Ngày nay, bánh tráng có mặt khắp cả nước, thậm chí đến cả các nước Liên Xô, Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Canađa... chứ không phải còn là sản phẩm riêng của Bình Định nói riêng hay cả miền Nam nói chung.

Người ta có nhiều cách ăn bánh tráng khác nhau : đem nướng lên bẻ nhỏ ăn tráng miệng, hay giã vụn ra trộn với thịt heo đầu hoặc rắc lên món tiết canh. Cũng có lúc người ta dùng bánh tráng nướng, để xúc giá xào, xúc cá gỏi thịt băm hay cuốn thịt cầy, kẹp với tôm cua xào để làm món nhậu. Nhưng có lẽ, được việc nhất là món bánh tráng cuốn: Bánh tráng đem nhúng nước, cắt từng mảnh nhỏ cuốn tôm, thịt, bún tàu, chả... đem chiên lên làm món ram hay cuốn với thịt bò nhúng giấm làm món nem đặc sản. Đôi khi nhân cuốn được thay thế bằng giá tươi, rau sống, ít cọng rau muống, vài miếng cá luộc. Tất cả gói vào bánh, cuốn lại, chấm vào chén nước chấm chanh tỏi thơm phức. Quả là hấp dẫn vô cùng.

Phong cách ăn bánh tráng và nội dung nhân cuốn còn tùy thuộc vào thời tiết, vào sự giàu nghèo của thực chủ. Trời nóng thường ăn bánh ướt hay bánh khô nhúng nước, trời lạnh lại dùng bánh nướng: người giàu thì cuốn chả, cuốn thịt, kẻ nghèo thì cuốn cá, cuốn rau hay cuốn ... không . Cách thức ăn bánh tráng còn tùy thuộc vào sở thích từng vùng dân cư khác nhau. Người Huế thích ăn bánh tráng với chè kê, dân Quảng Nam ăn kèm nắm cái, người Quảng Ngãi lại dùng bánh tráng trong món dơn- đặc sản của quê hương hộ.
Song, lối ăn bánh tráng đặc biệt nhất phải kể đến lối ăn của dân Bình Định.

Ngoài cách ăn giống các nơi khác, phổ biến nhất đối với họ vẫn là bánh tráng cuốn không nhân. Người Bình Định không coi bánh tráng là một thứ thực phẩm như những nơi khác. Với họ, bánh tráng là một thứ lương thực. Đã là lương thực thì cần gì phải chế biến cầu kì chỉ cần nướng lên hay nhúng nước, cuốn lại rồi chấm nước mắm và ăn, chứ như là ăn cơm với nước mắm vậy.

Món bánh tráng cuốn không nhân tuy đơn giản thế nhưng rất được người dân Bình Định ưa chuộng. Họ ăn thay cơm, ăn trước lúc đi làm, ăn giữa buổi, ăn lúc đêm khuya ngồi dệt vải, dệt chiếu hay học bài. Chính lối ăn này đã được nghĩa quân Tây Sơn tiếp thu, vận dụng và góp phần giải quyết tốt vấn đề hậu cần trong chiến thắng xuân Kỷ Dậu năm xưa.

Nguồn: Nhà báo Bình Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã nhận xét cho bài post trên blog WildgrassVN. Mong góp ý và có nhiều nhận xét hơn nữa của bạn. WildgrassVN.com