Khách
phương xa về thăm Bình Định không những chỉ bị quyến rũ bởi những thắng
cảnh, danh lam, những di tích lịch sử-văn hoá hay những đêm hát tuồng
hấp dẫn mà còn bị quyến rũ bởi những món ăn đặc sản lạ miệng mang nét
đặc trưng văn hoá của miền đất võ.
Nếu du khách về thăm thành phố biển Quy Nhơn vào mùa nắng ráo, chắc chắn sẽ được dịp thưởng thức các món ăn đặc sản biển. ở đây có đủ loại cá, tôm, cua, ghẹ, ốc, hàu... nhưng ngon nhất có thể đề cập đến món cá nướng và gỏi cá. Những con cá mú, cá hồng to tướng, còn tươi rói đưa lên lò than hồng. Chỉ hơn mươi phút sau đã có món nhậu lai rai với bia hay rượu ngon hết ý. Hoặc những món sìa (hàu) hấp, ghẹ luộc, mực xào tỏi... hấp dẫn chẳng kém. Tuy nhiên, vào mùa gió Tây Nam, ở đây còn có món gỏi cá mai, gỏi ốc thật tuyệt vời. Những món này giá rẻ, ăn no và khoái khẩu. Thứ đến là món cá đuối hấp ăn với bánh tráng kẹp, rau sống hay món lẩu cá đuối nhâm nhi với bia rượu, bạn bè gặp nhau mặc sức con cà, con kê vui vẻ...
Còn muốn tìm món ngon ở chốn hương đồng gió nội thì xin mời thực khách theo quốc lộ 1A đi về hướng bắc để đến đầm Châu Trúc (còn gọi là đầm Trà Ô), thuộc huyện Phù Mỹ sẽ được no nê, thoải mái với món gỏi chình khó ăn nhưng lạ miệng. Đầm Châu Trúc từ lâu nổi tiếng là nơi cung cấp các hàng quán loại chình mun và chình bông. Tuy nhiên, món gỏi chình bông được giới sành ăn ưa thích vì thịt ngon ngọt hơn.
Cách Châu Trúc không bao xa là cửa biển Đề Gi, ở đây nổi tiếng với món chả cá.
"Anh về qua ngã Đề Gi
Nghe mùi chả cá chân đi không đành"
Nghe mùi chả cá chân đi không đành"
Chả cá Đề Gi làm hoàn toàn bằng cá thu rất có giá trị và khác với các nơi khác, chả cá tuyệt đối không có pha trộn thêm chất bột khiến cho thịt cá săn chắc, có vị khách cảm thấy vị ngọt thấm vào đầu lưỡi rồi ngấm dần xuống tận cổ. Ngoài ra, ở Đề Gi còn có món mắm thu rất thơm ngon nhưng ngôi vị đàn anh phải nhường cho mắm thu Tam Quan, nơi xứ dừa thơ mộng, quyến rũ ở địa đầu cực Bắc Bình Định. Mắm thu Tam Quan nổi tiếng hàng trăm năm qua và đã được gửi đi tiêu thụ khắp các thị trường Trung-Nam-Bắc. Dưới thời Pháp thuộc, mắm thu Tam Quan được cho vào hũ sành có gắn xi gửi bán khắp cả Đông Dương. Ngoài mắm thu danh bất hư truyền, Tam Quan còn có bánh tráng nước dừa thật độc đáo. Bánh được tráng bằng nước dừa và xác cơm dừa với bột gạo hoặc mù, có thêm mè hạt và hành, tiêu. Bánh tráng nước dừa chủ yếu để nướng ăn chín, có mùi vị vừa béo ngậy, mặn mà vừa thơm ngon. Bảo đảm loại bánh tráng này ăn no chứ không ngán. Nhiều bà con sống ở nước ngoài, lúc về quê nhà thường đặt mua thật nhiều loại bánh tráng nước dừa và mắm thu Tam Quan để làm quà biếu những người xa xứ.
Ngoài bánh tráng nước dừa, ở Hoài
Nhơn, Phù Mỹ còn sản xuất bánh tráng hủ tiếu làm bằng bột mì đã tinh
lọc. Chiếc bánh trong suốt, khi đưa vào lò lửa, sẽ phồng lên, ăn xôm
xốp, mặn mà. Buồn buồn có chiếc bánh hủ tiếu nhâm nhi cũng hoá vui. Bánh
tráng hủ tiếu được bày bán ở các chợ quê vào dịp cuối năm, trẻ con rất
khoái loại bánh này.
Nếu ngược lên hướng Tây Nguyên, theo Quốc lộ
19 đến thị trấn Phú Phong, huyện lỵ huyện Tây Sơn sẽ có mấy món đặc sản
lạ miệng. Trước hết là món gié bò. Dường như ở Phú Phong quanh năm đều
có món gié mang đặc trưng của miền sơn cước. Gié là loại ruột non của
con bò nấu với lá giang rừng, món ăn lạ lẫm, vừa đắng, vừa chua. Người
chưa ăn quen khó nuốt, còn nếu quen rồi thì mê luôn! Tiếp đến là món
chim mía. Đây cũng là loại đặc sản nổi tiếng trên quê nhà Tây Sơn, Tam
Kiệt. Chim mía thường xuất hiện vào những tháng cuối đông và đầu xuân,
khi gió mùa đông bắc thổi mạnh và các rẫy mía bắt đầu trổ cờ. Chim mía
(những loại chim sống trong đám mía như chìa vôi, chim sẻ, chim sâu, đội
mũ… đều gọi chung là chim mía) bị bẫy rập đem bán nhiều ở các chợ, mỗi
xâu chục con, tất cả đều làm sẵn. Món ăn thông dụng nhất là nướng và
quay. Thịt chim mía vừa mềm vừa béo, hương vị mặn mà, ăn hoài không
ngán.
Miếng ngon Bình Định đến đây chưa phải là hết. Còn món nem
chua sản xuất tại chợ huyện, thuộc xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước là quê
của nhà soạn tuồng nổi tiếng Đào Tấn. Nem chợ Huyện nổi tiếng từ hàng
trăm năm nay được khách sành ăn ưa chuộng. Nem chua bày bán nhiều ở các
hàng quán trong tỉnh, và gần đây còn đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh Tây
Nguyên và duyên hải miền Trung. Chất lượng nem chợ Huyện tuyệt hảo,
chẳng thua kém gì nem chua Ninh Hoà (Khánh Hoà) hay nem Thủ Đức (thành
phố Hồ Chí Minh). Nem chợ Huyện để được lâu mà không sợ hư, dùng làm quà
biếu người thân rất có giá trị. Và, khi nói đến món nem, thì phải kể
đến rượu Bầu Đá. Đây là loại rượu ngon được sản xuất tại xã Nhơn Lộc,
huyện An Nhơn. Rượu Bầu Đá rất quen thuộc đối với người Bình Định. Trong
dịp lễ, tết, hay đám tiệc, trên mâm cỗ lúc nào cũng có chai rượu Bầu
Đá. Ngày nay, rượu Bầu Đá cho vô chai, mẫu mã đẹp và thanh lịch chẳng
thua kém gì chai rượu ngoại và được đưa đi tiêu thụ khắp mọi miền đất
nước.
Đã về thăm quê hương Bình Định, sau khi thưởng thức những "món ngon" ở mỗi địa phương, chắc chắn khách phương xa sẽ có nhiều ấn tượng đáng nhớ và nhiều kỷ niệm khó quên...
Đã về thăm quê hương Bình Định, sau khi thưởng thức những "món ngon" ở mỗi địa phương, chắc chắn khách phương xa sẽ có nhiều ấn tượng đáng nhớ và nhiều kỷ niệm khó quên...
Nguyễn Nhân Thống
Nguồn: Văn Hóa Ngệ Thuật Ăn Uống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã nhận xét cho bài post trên blog WildgrassVN. Mong góp ý và có nhiều nhận xét hơn nữa của bạn. WildgrassVN.com