Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Khi niềm tin bị đánh cắp

Đi đến ngã tư Thái Hà - Tây Sơn - Chùa Bộc, đang đứng chờ đèn đỏ thì một cậu trai tầm 18 - 20 ăn mặc nhàu nhò, khoác cái ba lô đen xộc xệch, đội mũ le đen, tiến ra phía trước hàng xe dừng đèn đỏ, xin tiền.

“Các anh các chị các bác ơi, cho em xin mấy chục với, em cần về Thái Bình bây giờ mà em lại không còn đồng tiền nào. Em bị móc túi hết rồi! Các anh các chị giúp em với! Em cần về Thái Bình gấp lắm! Thật mà! Xin tiền thế này em cũng xấu hổ lắm, nhưng em thực sự không còn cách nào. Làm ơn giúp em với các anh các chị ơi”.

Chơi bời bạn bè về... Đêm giữa hạ. Gió mát. Trời trong. Chuyện vui. Làm mình phóng xe về mà lòng phơi phới... Tiếng cậu chàng nhì nhèo, run run và ngắt quãng bên tai. Cậu tiến từ người nọ sang người kia. Đôi bàn tay không chìa ra như những người ăn mày khác, mà vằn vò nơi gấu áo. Cái mặt gầy khắc khổ, trắng bệch, nhăn nhó trông cũng tội... Nhưng không ai cho cậu ta đồng nào cả.

Đèn đỏ còn 30s. Tiếng cậu chàng vẫn đang nì nèo, nhưng vẫn không ai cho cậu ta đồng nào.

Đèn đỏ còn 15s. Cậu chàng tiến về phía mình, vẫn không chìa đôi bàn tay ra, chỉ có ánh mắt là hướng về người mà cậu ta đang muốn xin.

Mình nhìn lướt qua cậu ta. "Ồi, vẫn cái trò giả dạng ăn mày xin tiền thiên hạ đầy rẫy thành phố này ấy mà!" - ý nghĩ ấy lướt qua đầu mình, và mình lắc đầu. Vừa lúc đó, đèn đỏ chỉ còn 2, 3s. Mọi người rồ ga chuẩn bị phóng lên. Cậu trai kia lùi lại. Mình cũng phóng vút lên theo đám đông, để lại cậu chàng đứng run rẩy, chơ vơ bên lề đường.

Đêm giữa hạ. Gió vẫn mát. Trời vẫn trong...

Nhưng tự nhiên hình ảnh cậu trai kia đứng lại chơ vơ bên lề đường, hình ảnh khuôn mặt gầy guộc khắc khổ, hình ảnh đôi bàn tay vân vê nơi vạt áo của cậu ta... lại bám lấy tâm trí mình. Mình không cười được nữa.

Uh, chắc cậu ta cũng chỉ là một kẻ lười lao động, chỉ thích ăn bám vào sự giúp đỡ của người khác (như bao kẻ ăn mày khác ở cái thành phố này vẫn làm). Uh, chắc cái vẻ khắc khổ, tội nghiệp đó cũng chỉ là một ngón nghề diễn rất đạt của cậu ta hòng móc túi những người hay mủi lòng mà thôi. Mình tự an ủi mình như thế...

Nhưng, nếu không phải như vậy thì sao? Nếu câu chuyện cậu ta nói trong hơi thở gấp gáp ấy là thật, nếu cái vẻ khắc khổ của cậu ta là thật, và nếu bàn tay của cậu ta vừa chìa ra vì cậu ta cần sự giúp đỡ thật sự của mọi người, nhưng đã không ai nắm lấy bàn tay ấy thì sao?

Hàng ngày hàng giờ, ở cái thành phố này, đi ăn hay đi uống nước, hàng quán hay bờ hồ, bạn đều dễ dàng bắt gặp những kẻ ăn mày. Từ trẻ em, người lớn cho tới các cụ già. Từ trai tới gái, từ lành lặn tới thương tật. Cả những người trông như sắp chết, tới những người rõ ràng trông rất khỏe khoắn cường tráng...
Rồi bạn đọc được những câu chuyện rất phổ biến về những kẻ ăn mày mà có khi còn giàu có hơn cả mình; những câu chuyện về những cái làng dân lười lao động, coi ăn xin là một nghề kiếm sống... Thế là bạn bị mất lòng tin vào những người ăn mày. Bạn không còn phân biệt được đâu là những người thực sự cần sự giúp đỡ của bạn (dù chỉ là mấy nghìn đồng nhỏ bé), với những kẻ chỉ hòng lợi dụng lòng tốt của bạn, và của những người khác để ăn trắng mặc trơn...

Và rồi, vì đã bị mất lòng tin, vì không phân biệt được thật giả như thế, nên đến lúc có người cần những đồng tiền, cần sự giúp đỡ thực sự của bạn, bạn đã không còn đủ tự tin để chìa tay ra giúp họ nữa. Thế là họ đành phải quằn quại trong khó khăn của chính mình.

Mình và các bạn có lỗi không trong những trường hợp ấy? Hay tất cả chỉ tại vì chúng ta đang sống trong một thế giới mà lòng tin đã bị đánh cắp - phải thế chăng?

Thế nên khi nhìn thấy cậu trai kia chìa tay ra xin tiền về quê, không ai còn đủ lòng tin để tin đó là câu chuyện có thật, và chìa tay ra giúp đỡ cậu ta? Không. Không ai cả còn đủ lòng tin và chìa tay ra giúp đỡ cả - ít nhất là trong cái khoảnh khắc mình đứng ở đó.

Thế là vì không còn lòng tin nữa, nên có thể chúng ta đã trở thành những kẻ thờ ơ trước nỗi đau khổ có khi rất thật của đồng loại của mình.

Nguồn: vnexpress.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã nhận xét cho bài post trên blog WildgrassVN. Mong góp ý và có nhiều nhận xét hơn nữa của bạn. WildgrassVN.com