Về thăm Bảo tàng Quang Trung, được đứng trên mảnh đất, ngôi nhà mà ba anh em Tây Sơn đã ra đời và khôn lớn, tận mắt chiêm ngưỡng cây me già tỏa bóng sum sê, uống ngụm nước mát ngọt từ chiếc giếng cổ, có cảm giác như lời hiệu triệu “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng...” (*) vẫn đang vang vọng đâu đây. Dù đã 200 năm trôi qua...
Trở lại bảo tàng ngay sau ngày cây me trong khu vườn Tây Sơn tam kiệt được vinh danh di sản, chúng tôi gặp cụ Mạc Ái năm nay đã 80 tuổi và gần 20 năm nhận lãnh công việc chánh bái khu điện thờ trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định).
Thường ngày, sau khi vào dâng hương trong điện thờ, cụ Lâm Đắc Tiễu đến ngồi trầm tư dưới tán me già - Ảnh: Trường Đăng |
Chứng nhân lịch sử
“Cây me cổ thụ trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung có giá trị lịch sử đặc biệt vì gắn liền với ba anh em nhà Tây Sơn. Ngoài ra, cây me cổ thụ này còn có ý nghĩa lớn về việc bảo tồn nguồn gen, góp phần nâng cao nhận thức, phát huy truyền thống, bảo vệ thiên nhiên trong cộng đồng”.
Ông Nguyễn Điểu - phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - phát biểu tại lễ trao bằng công nhận “Cây di sản Việt Nam”, vinh danh cây me cổ thụ nhà Tây Sơn ngày 28-11-2011
|
Hằng ngày, sau mỗi lần vào hương khói, chăm nom điện thờ, cụ Ái thường đến ngồi dưới tán me cổ thụ, trầm ngâm hồi tưởng bao thăng trầm của thời cuộc mà cây me lão này là một chứng nhân đặc biệt. Cụ Mạc Ái kể rằng ngay từ bé, ông và hàng trăm bè bạn cùng lứa trong làng đến đây học võ, vui đùa tập luyện dưới tán me già.
“Cây me ngày ấy cũng to lớn như bây giờ, quanh năm sum sê cành lá, tán che rợp cả một góc vườn, mùa trái lúc nào cũng dày đặc. Không ai bảo ai, từ người lớn đến con trẻ không bao giờ bẻ phá cành lá cây me. Ai có việc gì cần nguyện cầu, họ đến cây me khấn. Ai có chuyện buồn cũng đến ngồi dưới cây me, cứ lặng yên ngồi hàng giờ tự nhiên thấy lòng thanh thản, vơi bớt nỗi buồn lo”- cụ Ái kể.
Theo ông Trần Xuân Cảnh - phó giám đốc Bảo tàng Quang Trung, người có nhiều công trình nghiên cứu về những chứng tích của nhà Tây Sơn, sau khi rời quê vợ ở làng Phú Lạc, ông Hồ Phi Phúc cùng vợ đến định cư ở làng Kiên Mỹ, bên dòng sông Côn thơ mộng. Ngày ấy, Phú Lạc và Kiên Mỹ thuộc ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn, về sau đều thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn. Ông Hồ Phi Phúc dựng một ngôi nhà khang trang, đồng thời trồng cây me bên trái và đào một giếng nước bên phải ngôi nhà, phía trước là cánh đồng trù phú, màu mỡ xanh ngắt trải dọc sông Côn. Đây cũng là nơi ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lần lượt chào đời.
Đến giờ người dân trong vùng vẫn còn lưu truyền những câu chuyện về tuổi thơ của ba anh em Tây Sơn gắn bó với cây me trong vườn nhà. Đó là nơi hằng ngày ba anh em học võ, luyện công và sau khi khởi nghiệp, dưới tán me này, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã chủ trì bao cuộc luận bàn đại sự cùng văn thần võ tướng về thời cuộc, đất nước, về phạt Bắc chinh Nam. Sự nghiệp vẻ vang của nhà Tây Sơn đã gắn bó với cây me, giếng nước trong vườn nhà ngay từ buổi khởi đầu và kéo dài suốt một thời kỳ lịch sử lẫy lừng.
Về sau này, khi nhà Nguyễn thi hành chính sách báo thù, ngôi nhà từ đường do cụ Hồ Phi Phúc tạo dựng trước đây bị san phẳng. Thế nhưng cây me già vẫn uy nghi đứng đó bên cạnh giếng nước trong vắt, mát lành đến ngày nay, không ai giải thích được vì sao những chứng tích này không bị tàn phá ngoài những tương truyền dân gian đầy tôn kính.
Một lần nữa, để tỏ lòng biết ơn, người dân Tuy Viễn đóng góp tiền của, công sức xây dựng lại ngôi nhà anh em Tây Sơn ngay trên nền đất cũ, làm nơi thờ tự ông bà Hồ Phi Phúc, song ngôi từ đường này cũng bị nhà Nguyễn tiếp tục cho phá hủy. Không thoái chí, người dân trong vùng về sau dựng một ngôi đình ngay trên nền nhà cũ, cạnh cây me, gọi là đình Kiên Mỹ, bí mật thờ “ba ngài Tây Sơn”. Để che mắt vua quan nhà Nguyễn, bề ngoài đình Kiên Mỹ thờ thành hoàng, có xin sắc nhà Nguyễn dù thực chất thờ Tây Sơn tam kiệt.
Cụ Trần Cự - nay đã 91 tuổi, người có gần 40 năm làm chánh bái khu điện thờ Tây Sơn - kể: “Rằm tháng 11 âm lịch hằng năm, dân làng Kiên Mỹ tổ chức cúng giỗ “ba ngài Tây Sơn” nhưng thường chỉ dâng hương, hoa và chỉ “mật cáo” chứ không có văn tế. Lời “mật cáo” này được bí mật truyền khẩu từ đời người phụng tế này đến người phụng tế khác”. Cụ Trần Cự cho biết thêm năm 1947 đình Kiên Mỹ bị phá để tiêu khổ kháng chiến và dân làng lập một miếu nhỏ ngay dưới gốc me già tiếp tục thờ cúng ba ngài Tây Sơn. Đến năm 1960, người dân trong vùng xây dựng lại ngôi miếu khang trang hơn, lấy tên là Điện Tây Sơn cũng ngay bên tán me già.
“Thật ra, ngay sau khi nhà Tây Sơn suy vong, tượng đài người anh hùng áo vải cờ đào đã được tạc ngay trong lòng dân. Ba bức tượng thờ hoàng đế Quang Trung cùng hai danh tướng Ngô Thì Nhậm và Ngô Văn Sở tại chùa Bộc, Hà Nội được các nhà nghiên cứu phát hiện năm 1962, mặc dù các bức tượng này đã được chế tác từ năm 1846. Bảo tàng Quang Trung đã phục chế các bức tượng này.
Nhìn vào cụm tượng, trong buổi thiết triều, vua thì vén áo bào lên, một chân mang hài, một chân để lộ ra ngoài; hai danh tướng ngồi với tư thế thoải mái, tự nhiên, người gác chân lên ghế, người ngồi xếp bằng, đó là hình ảnh của vị hoàng đế xuất thân từ nông dân, bình dị mà lẫm liệt” - ông Trần Xuân Cảnh nói.
Du khách dừng lại bên giếng cổ, uống nước, rửa mặt trước khi vào dâng hương trong điện thờ - Ảnh: Trường Đăng |
Bóng thiêng che chở
Cụ Mạc Ái kể: “Trong kháng chiến chống Pháp, cây me là nơi thờ tự chính ba ngài Tây Sơn. Hồi ấy, giặc Pháp bắn phá dữ lắm nhưng đặc biệt riêng vùng Kiên Mỹ không hề bị gì, người dân trong vùng tin rằng đó là nhờ cây me che chở dân lành. Ngày ấy, phía trước cây me có một con đường làng rộng, hằng ngày nhiều người qua lại. Mỗi khi đi qua cây me ai cũng kính cẩn cúi đầu.
Dù đang thời kỳ chiến tranh nhưng vào ngày giỗ các ngài Tây Sơn hay những ngày trọng lễ, bà con vùng Kiên Mỹ đều tổ chức cúng tế linh đình dưới tán me. Những người tham gia tế lễ, khách thập phương và bà con quanh vùng đến chiêm bái đều phải tắm rửa sạch sẽ tinh tươm. Đặc biệt khi đến khấn nguyện dưới gốc me phải ăn mặc chỉnh tề, cung kính như một nơi tôn nghiêm trường tồn còn lại trong khu vườn nhà Tây Sơn tam kiệt thuở nào”.
Nhiều bô lão ở Kiên Mỹ kể rằng ngày trước, ngay cả các quan Pháp, các chức sắc người Việt thân Pháp cũng tỏ ra rất tôn kính cây me già vì biết rằng đó là nơi thờ tự Tây Sơn tam kiệt. Cụ Lâm Đắc Tiễu (79 tuổi, phó ban nghi lễ điện Tây Sơn) kể: “Mỗi khi đi càn, lính Pháp không dám lại gần cây me. Các quan người Pháp, người Việt mỗi khi đi qua đoạn đường trước mặt cây me đều phải xuống xe, xuống ngựa, đi bộ qua”. Nhờ đó dù đang thời kỳ chiến tranh, ngay trước con đường, đối diện cây me, chợ Kiên Mỹ vẫn hoạt động nhộn nhịp vào ban đêm mà không sợ giặc Pháp bắn phá.
Phải chăng nhờ vậy suốt hơn 200 năm qua, trong đó có một quãng thời gian dài tưởng chừng bị lãng quên trong bối cảnh chiến tranh tàn phá, cây me không hề có một dấu tích tổn thương từ bàn tay con người. Cụ Mạc Ái kể: “Lúc tôi còn nhỏ, mỗi lần họp dân làng, các cụ cao niên luôn căn dặn mọi người phải có trách nhiệm bảo vệ cây me, giữ gìn giếng nước luôn trong sạch bởi đó là hai di tích cực kỳ quý báu còn lại nơi cội nguồn của phong trào nông dân áo vải cờ đào”.
Ông Trần Xuân Cảnh cho biết cây me cổ thụ này cao 24m, đường kính thân 1,2m, tán rộng che phủ hơn 600m2. Từ khi xây dựng Bảo tàng Quang Trung đến nay, mỗi năm một lần nhân viên bảo tàng phun thuốc diệt trừ sinh vật gây hại để bảo vệ thân cây chứ không mất nhiều công sức chăm sóc. Như hàng trăm năm trôi qua, cây me vẫn sum sê cành lá, đến mùa ra trái trĩu cành.
Hằng ngày vào buổi chiều, huấn luyện viên Hồ Sỹ luyện võ cho học trò dưới tán me xưa - Ảnh: Trường Đăng |
Từ năm 2005, Bảo tàng Quang Trung đã nhân giống me từ cây me cổ thụ này. “Hằng ngày có rất nhiều du khách đến từ mọi miền đất nước xin thỉnh những cây me con nhân giống từ cây me cổ thụ về trồng như tin vào sự linh thiêng, may mắn, như một nghĩa cử lưu truyền, gìn giữ một giai đoạn rực rỡ của nhà Tây Sơn tuy hữu hạn mà vĩnh hằng trong lòng dân Việt”- ông Cảnh nói.
Ông Nguyễn Thành Nhân, du khách đến từ TP Châu Đốc (An Giang), chia sẻ: “Mỗi lần đến thăm Bảo tàng Quang Trung, ngồi dưới tán cây me cổ thụ, lòng như lắng lại, thấy mình bình tâm hơn, thanh thản hơn và được đắm mình trong mối giao cảm tâm linh giữa người với cây và hồn thiêng sông núi, đất trời”.
Sau hơn 200 năm với bao biến cải thời cuộc và lịch sử, giờ đây dưới tán me già trong vườn xưa của Tây Sơn tam kiệt vẫn diễn ra những lớp tập võ buổi chiều, những buổi luyện đao kiếm khi trăng sáng. Anh Hồ Sỹ - huấn luyện viên võ cổ truyền, võ Tây Sơn, thành viên đội nhạc võ của Bảo tàng Quang Trung - đang duy trì một lớp dạy võ cho trẻ em làng Kiên Mỹ.
“Dọc sông Côn là miền đất võ và chính nơi này, trong khu vườn này, dưới tán me này như là nơi hội tụ của khí thiêng sông núi. Ngày ngày thầy trò cùng luyện tập dưới tán me, dưới tượng hoàng đế. Tập xong, các em được uống nước giếng xưa. Chúng tôi thật tự hào bởi mình là con cháu trên quê hương nguồn cội của người anh hùng áo vải” - anh Hồ Sỹ nói.
Song hành trường tồn cùng cây me, giếng nước cổ trong khu vườn cũ của Tây Sơn tam kiệt cũng nhuốm màu lịch sử theo thời gian. Ngày xưa, giếng được xây bằng đá ong, về sau dân làng vét sâu thêm, xây thành để làm giếng nước uống chung cho cả làng.
Quanh năm, dù thời tiết nắng hạn hay mưa bão, giếng cổ lúc nào cũng trong vắt, mát ngọt như bao đời nay. Đây là nơi du khách nán lại, tự tay mình xách một gàu nước, uống một ngụm rồi rửa mặt, chỉnh trang quần áo tươm tất trước khi vào dâng hương trong điện thờ.
LÊ TẤN - B.TRUNG
Nguồn: Tuổi Trẻ Online
__________
(*) Trích lời dụ tướng sĩ của hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ trên đường tiến quân ra Bắc đánh quân Thanh năm 1789.
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng tri hữu chủ.
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng tri hữu chủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã nhận xét cho bài post trên blog WildgrassVN. Mong góp ý và có nhiều nhận xét hơn nữa của bạn. WildgrassVN.com