Bến Trường Trầu là một di tích lịch sử thời Tây Sơn, nằm trên bờ Sông
Kôn - một trong các con sông lớn của tỉnh Bình Định - chảy qua địa phận
thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, bên cạnh chợ Kiên Mỹ.
Bến Trường Trầu tồn tại rất lâu cho
đến đầu thế kỷ 19, song song với tục ăn trầu của người dân Việt Nam. Qua
gần hai thế kỷ, cũng giống như một số di tích khác, bến Trường Trầu đã
bị tàn phá nặng nề bởi thời gian và mưa bom bão đạn của hai cuộc kháng
chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Đã từ lâu, khi hai bờ sông bị sụt lở
nhiều, và đường sông không còn là con đường giao thông chính nữa thì bến
cũng thôi hoạt động. Tuy nhiên bến Trường Trầu đã để lại một dấu ấn
trong lịch sử dân tộc, gắn liền với phong trào đấu tranh của nông dân
Tây Sơn trong nửa cuối thế kỷ 18, dưới sự lãnh đạo của ba anh em Tây Sơn
- Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.
Năm 1986 bến Trường Trầu đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia.
Cầu Kiên Mỹ mới trong ngày hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (ảnh: Đào Tiến Đạt).
|
Thế kỷ 18, làng Kiên Mỹ (nay thuộc
thị trấn Phú Phong) là vùng đất chuyển giao giữa miền xuôi và miền
ngược, tức là giữa vùng Tây Sơn thượng đạo và Tây Sơn hạ đạo. Từ chợ
Kiên Mỹ có hai đường giao thông thuận tiện qua lại giữa hai miền. Đó là
con đường bộ qua đèo Mang (đèo An Khê) - không hoàn toàn trùng với quốc
lộ 19 hiện nay, và đường thủy là con sông Kôn có thể lên tận miền ngược
đến các plây (làng) của người dân tộc thiểu số và xuống tận miền xuôi
như chợ An Thái, Cửa Giã, Đập Đá…
Vì vậy con sông gần như là con đường
giao thông chính giữa hai vùng đất mà bên trên chứa đựng những trầm
hương, trầu nguồn, mật sáp, ngà voi…; bên dưới là đồng bằng no đầy lúa
gạo, những đám dâu, nương bông hứa hẹn lụa là gấm vóc; là hàng hóa tiêu
dùng các loại. Nối dài ra biển là vùng cá, muối, tôm, cua…
Đoạn sông thuộc làng Kiên Mỹ là một
địa điểm lý tưởng để tập trung trao đổi các mặt hàng của thương nhân hai
miền Tây Sơn thượng - hạ. Nhưng có thể việc trao đổi thông qua bến sông
này nhiều nhất vẫn là mặt hàng trầu. Trầu đã góp phần làm phồn thịnh
chợ Kiên Mỹ; tên gọi bến Trường Trầu vì thế ra đời.
Ông Hồ Phi Phúc - thân sinh của ba
anh em Tây Sơn - vì làm nghề buôn trầu xuôi ngược theo dòng nước, ngày
ngày qua lại vùng Tây Sơn hạ đạo, đã gặp gỡ kết duyên bà Nguyễn Thị Đồng
sinh ra ba anh em Tây Sơn. Con sông đã gắn liền với đời sống của họ. Ba
anh em Tây Sơn đã trải qua thời thiếu niên êm đềm bên dòng sông Kôn.
Đến lượt mình, khi lớn lên Nguyễn Nhạc cũng đã nối nghiệp cha buôn trầu
trên khúc sông này. Từ việc ngày phải tiếp xúc với các thương nhân buôn
trầu gần xa, và được nghe những câu chuyện thường nhật của họ về các
cuộc đấu tranh nông dân diễn ra khắp nơi của thế kỷ 18 - thế kỷ được
mệnh danh là thế kỷ đấu tranh nông dân - đã bắt đầu hình thành ý chí
khởi nghĩa của Nguyễn Nhạc.
Đến khi ba anh em Tây Sơn lãnh đạo
nông dân đứng lên đấu tranh và giành được những thành công to lớn, mở ra
một triều đại mới trong lịch sử thì có thể nói bến Trường Trầu là nơi
xuất phát đầu tiên của phong trào nghĩa quân Tây Sơn. Đó là nơi hội ngộ
của các sĩ phu yêu nước trong giai đoạn tiền khởi nghĩa. Cách bến Trường
Trầu khoảng 30m về phía bắc, khi bến đang thịnh vượng, nhân dân dựng
nên một ngôi nhà nhỏ làm quán trọ cho khách buôn trầu nghỉ chân. Và đó
cũng là nơi trao đổi tin tức của nghĩa quân.
Vì vậy sau khi ba anh em Tây Sơn mất,
để tưởng nhớ, nhân dân đã xây dựng lên trên nền nhà đó một cái miếu thờ
ba anh em Tây Sơn, gọi là miễu Vĩnh Thọ (nay là tịnh xá Ngọc Bình).
Bến Trường Trầu đã ngưng hoạt động từ
lâu, nhưng đến nay âm hưởng của nó vẫn còn vang vọng đâu đây, khi mỗi
độ xuân về Bảo tàng Quang Trung tổ chức lễ hội Đống Đa, tái hiện một
phần của một thời kỳ lịch sử và khi dòng nước sông Kôn trở lại xanh
trong sau những đợt lũ.
Nguồn: Báo Bình Định
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã nhận xét cho bài post trên blog WildgrassVN. Mong góp ý và có nhiều nhận xét hơn nữa của bạn. WildgrassVN.com